Cá biệt có trường hợp bị chiếm đoạt với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Qua công tác điều tra, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây của lực lượng Công an, nổi lên một số phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng như:
Giả danh cơ quan thực thi pháp luật: Phương thức này không mới nhưng vẫn nhiều người bị mắc lừa do sợ bị liên lụy đến pháp luật, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Khi nhận được thông báo của các đối tượng lừa đảo giả danh, những người trên thường bất ngờ, hoang mang dẫn đến dễ dàng hành động theo sự điều khiển của các đối tượng. Với phương thức này, các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát hoặc giả mạo Cổng thông tin điện tử của Công an gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra; sau đó, khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng đo đối tượng cung cấp với lý do để phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt.
Tuyển cộng tác viên làm đơn hàng, nhiệm vụ: Các đối tượng thường đăng tuyển cộng tác viên làm đơn hàng, nhiệm vụ để kiếm thu nhập trên các trang mạng xã hội. Sau khi người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng yêu cầu họ phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”. Mỗi lượt mua hàng thàng công sẽ được hưởng “hoa hồng” từ 10% đến 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, đầu tiên cộng tác viên sẽ được thanh toán kèm “hoa hồng” như đã hứa nhằm tạo lòng tin. Khi số tiền đặt hàng của cộng tác viên ngày càng lớn, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền của cộng tác viên và lặn mất hút.
Đầu năm 2022, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh bắt giữ đối tượng Nguyễn Tất Thành (sinh năm 2000, trú tại xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) giả danh nhân viên bảo hiểm lừa đảo chiếm đoạt gần 20 triệu đồng của các lao động thất nghiệp.
“Bẫy tình” trên mạng xã hội: Các đối tượng lừa đảo tự giới thiệu là người nước ngoài (thường là quân nhân, doanh nhân nước ngoài) kết bạn, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân thông qua mạng xã hội. Sau một thời gian kết bạn, khi đã tạo được lòng tin ở đối phương, đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, đối tượng giả làm nhân viên hải quan yêu cầu bị hại phải nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí... để nhận quà vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt.
Hack tài khoản facebook lừa đảo mượn tiền: Các đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản facebook, sau đó nhắn tin cho bạn bè, người thân của người bị hack facebook hỏi mượn tiền rồi chiếm đoạt.
Vay tiền online qua app (ứng dụng): Các đối tượng sẽ hướng dẫn bị hại cài đặt các app vay tiền, khi bị hại đăng nhập vào các app, các đối tượng sẽ dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của bị hại như: phải chuyển thêm tiền đặt cọc, mua bảo hiểm khoản vay, đóng phí giải ngân...
Mạo danh lãnh đạo chính quyền, đoàn thể: Các đối tượng sử dụng hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo cơ quan, chính quyền, đoàn thể để mạo danh lập các tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook...) sau đó sử dụng hình ảnh, uy tín của lãnh đạo nhắn tin cho cấp dưới, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp dưới hỏi mượn tiền rồi chiếm đoạt tiền của các bị hại.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra, người dân hãy nâng cao tinh thần cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để không mất tiền oan, người dân không chuyển tiền cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, Internet mà chưa biết rõ về họ. Cơ quan Nhà nước khi cần làm việc sẽ mời công dân đến trụ sở, không làm việc qua điện thoại. Người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, tài khoản E - Banking cho bất kỳ ai. Khi có người quen, người thân hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền, công dân cần gọi điện để xác nhận lại. Bên cạnh đó, người dân cần cảnh giác trước những công việc kiếm tiền dễ dàng trên mạng xã hội để tránh trở thành miếng mồi cho tội phạm.
Khi gặp các trường hợp nêu trên, người dân hãy báo cho lực lượng công an xã để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./
Duy Linh